MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN THÁNG 02/2021
1. Đẩy mạnh đợt cao điểm tuyên truyền chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền sâu rộng kết quả Đại hội; phát động đợt thi đua lập thành tích trong triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các các cấp, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh lần thứ IX, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
2. Tuyên truyền kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02 (1930 – 2021) gắn với tuyên truyền mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng, mừng Xuâ Tân Sửu theo tinh thần Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc “Tổ chức Tết năm 2021”.
3. Tuyên truyền, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, CCVC-LĐ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu; thực hiện việc cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại và thông điệp “5K”; phát huy trách nhiệm chủ động phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, CCVC-LĐ để đảm bảo cho Nhân dân được đón Tết vui tươi, an toàn.
4 Tuyên truyền, triển khai Kế hoạch số 18-KH/ĐUK ngày 26/01/2021 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021; tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết bản cam kết; lựa chọn, xây dựng các mô hình tập thể, cá nhân trong học tạp và làm theo Bác tại cơ quan, đơn vị theo Hướng dẫn số 02-HD/ĐUK ngày 26/01/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.
5. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và chủ đề công tác năm “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”.
TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT, THI HÀNH KỶ LUẬT ĐẢNG NĂM 2021 CỦA ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH QUẢNG NINH
Năm 2020, là năm bản nề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng, là năm chuyển giao sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tạo được những chuyển biến căn bản trong nhận thức của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ đảng viên về việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác xây dựng Đảng. Góp phần thực hiện tốt và hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà Tỉnh ủy đã xác định.
Những kết quả nổi bật của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong Đảng bộ Khối được thể hiện trên hai vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp
Các cấp ủy đã bám sát các quy định, hướng dẫn của cấp ủy và UBKT cấp trên để xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, trong đó lựa chọn nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra được các hạn chế yếu kém, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Chú trọng đôn đốc thực hiện kiểm tra, giám sát sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm, thực hiện nghiêm việc xem xét kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm. Triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên, cụ thể hóa thành văn bản để chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt quan điểm lấy ngăn chặn, chủ động phòng ngừa vi phạm kỷ luật là chính trong công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ hai: Sự quyết liệt, nghiêm túc trong tổ chức thực hiện
Đảng ủy, UBKT Đảng ủy Khối và các cấp ủy trong toàn Đảng bộ đã chủ động nắm tình hình việc chấp hành Điều lệ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng và chức trách, nhiệm vụ, việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong của đảng viên để tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát. Quá trình tổ chức thực hiện đã đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, kiên quyết xử lý tổ chức đảng và đảng viên khi có sai phạm. Kết quả:
* Thực hiện công tác kiểm tra:
- Đối với tổ chức: Đã tiến hành kiểm tra được 71 tổ chức đảng: Trong đó 03 đảng ủy bộ phận; 68 chi bộ, chi ủy (Đảng ủy bộ phận kiểm tra 10 chi bộ). Với nội dung: Việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước 22 tổ chức; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ 13 tổ chức; nội dung khác 34 tổ chức.
- Đối với cá nhân: Đã tiến hành kiểm tra 384 đảng viên:Trong đó, có 80 cấp ủy viên các cấp (đảng ủy viên 13, chi ủy viên 67), chiếm 20,83% so với số đảng viên được kiểm tra (Đảng ủy cơ sở kiểm tra 24 trường hợp; Đảng ủy bộ phận kiểm tra 34 trường hợp; Chi bộ kiểm tra 326 trường hợp).Nội dung kiểm tra: Việc chấp hành quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ 294 trường hợp; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống 245 trường hợp; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao 159 trường hợp(trong đó 22 trường hợp là chi ủy viên, đảng ủy viên); việc thực hiện những điều đảng viên không được làm 130 trường hợp, nội dung khác 83 trường hợp.
* Thực hiện công tác giám sát
- Đối với tổ chức: Đã giám sát theo chuyên đề đối với 74 tổ chức, trong đó có 19 đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy cơ sở; 55 chi bộ, chi ủy (Ban Thường vụ Đảng ủy Khối giám sát 25 tổ chức; Đảng ủy cơ sở giám sát 47 tổ chức, Đảng ủy bộ phận giám sát 02 tổ chức). Nội dung giám sát: Việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng 43 trường hợp; việc chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước 07 trường hợp; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ 06 trường hợp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 01 trường hợp; nội dung khác 23 trường hợp.
- Đối với cá nhân: Đã tiến hành giám sát 504 đảng viên, trong đó có 149 cấp ủy viên các cấp (đảng ủy viên 29, chi ủy viên 120), chiếm 29,56% so với tổng số đảng viên được giám sát (Đảng ủy cơ sở giám sát 11 đảng viên; Đảng ủy bộ phận giám sát 42 đảng viên; chi bộ giám sát 451 đảng viên). Nội dung giám sát: Việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng 393 trường hợp; việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước 360 trường hợp; việc chấp hành quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ 355 trường hợp; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống 437 trường hợp; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao 336 trường hợp (trong đó 76 trường hợp là chi ủy viên, đảng ủy viên); những điều đảng viên không được làm 360 trường hợp; kê khai tài sản 7; nội dung khác 40 trường hợp.
* Công tác thi hành kỷ luật
- Đối với đảng viên (tính đến ngày 15/12/2020): các cấp ủy, chi bộ đã thi hành kỷ luật 31 đảng viên (Tỉnh ủy kỷ luật 03/31), so với cùng kỳ tăng 3,3% (31/30), trong đó: Khai trừ 01, cảnh cáo 02, khiển trách 29. Nội dung vi phạm: 19/31 đảng viên vi phạm về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, 01/31 đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, 02/31 vi phạm Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, 01/31 đảng viên vi phạm Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, 04/31 đảng viên vi phạm Tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản; 01/31 vi phạm do bị kết án tù; 04/31 đảng viên vi phạm các lỗi khác.
- Đối với tổ chức đảng: Đã thi hành kỷ luật 04 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách, trong đó: Ban Thường vụ Đảng ủy Khối thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng (liên quan đến thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng); Đảng ủy cơ sở thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng (1 liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; 01 liên quan đến thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng).
Đặc biệt năm 2020, sau khi có kết luận của Trung ương, Thanh tra tỉnh. Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đảng ủy Khối tập trung chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn một số cấp ủy cơ sở trong Khối thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh những vi phạm liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các sở, ngành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2020, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng của Đảng bộ Khối vẫn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm: (1) Việc xây dựng các nội dung kiểm tra, giám sát theo chương trình trong năm 2020 của một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra cơ sở thiếu cụ thể, chưa sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; vẫn còn nhiều đơn vị xây dựng các cuộc kiểm tra, giám sát tập trung vào 2 quý cuối năm nên không đảm bảo đúng tiến độ, nội dung và đề cương các cuộc kiểm tra, giám sát còn đơn giản. (2) Hoạt động kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp cơ sở chưa đạt hiệu quả cao, số lượng các cuộc tuy nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm còn thấp, chưa làm rõ trách nhiệm hoặc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức, cá nhân sau kiểm tra, giám sát; (3) Chưa có cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cơ sở nào thực hiện được nội dung kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên (4) Công tác tự kiểm tra, báo cáo kết quả, gửi hồ sơ kiểm tra về Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối để theo dõi theo thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của cơ sở còn chậm.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng năm 2021, cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
1. Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, xác định đúng nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan khi để xảy ra các thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật năm 2020, đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời, sát, đúng với tình hình của từng cấp ủy, tổ chức đảng.
2. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy cấp dưới trong việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021". Tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên nhất là người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các phòng, đơn vị trực thuộc các sở, ngành của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cấp có thẩm quyền.
3. Nắm tình hình, tăng cường giám sát thường xuyên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026; công tác bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với đơn thư liên quan đến nhân sự tham gia cấp ủy, UBKT Đảng ủy đảm bảo kịp thời, đúng qui định.
4. Ban hành và triển khai đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và có hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát năm 2021. Nghiêm túc lãnh đạo, triển khai thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp trên.
5. Rà soát chương trình phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT Đảng ủy theo Điều 30, Điều 32, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện có nền nếp chế độ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của cấp ủy, chi bộ trực thuộc.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Thực tiễn cách mạng Việt Nam và những thành quả mà nhân dân ta đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua, đã hoàn toàn bác bỏ quan điểm sai trái, thù địch cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”.
Chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt của các thế lực thù địch. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, tiến hành tác động, phá hoại nội bộ Đảng, làm giảm uy tín, nhằm đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, dù có sử dụng “trăm phương nghìn kế”, các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên về niềm tin của toàn dân ta đối với Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những thành tựu to lớn đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận cả trên phương diện lý luận, thực tiễn và lịch sử.
THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Mục đích và thủ đoạn của các thế lực thù địch là gì khi chúng tung ra luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”?
Về chính trị, chúng cho rằng “Ở Việt Nam, công nghiệp chưa phát triển, số lượng, chất lượng công nhân giai cấp công nhân bị hạn chế. Đảng Cộng sản Việt Nam không thể gọi là Đảng của giai cấp công nhân được, nó có rất ít tính công nhân mà mang đậm tính nông dân, chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa phong kiến”. Vì thế, “giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản không thể lãnh đạo, xây dựng được chủ nghĩa xã hội đích thực ở Việt Nam” (!). “Đảng không nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo tuyệt đối”. Chúng xuyên tạc Đảng ta đã sai lầm về chính trị khi “vội vàng xóa bỏ” đảng Dân chủ và đảng Xã hội, “tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản độc đoán, chuyên quyền, bóp nghẹt tự do, dân chủ”. Chúng kêu gào: “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ. Đảng cho mình cái quyền đứng trên dân tộc, cái đó không ai chịu chấp nhận”; đòi “xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng”.
Về tư tưởng, chúng cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng là sai lầm”, vì rằng “chủ nghĩa Mác - Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây, nên không còn phù hợp với Việt Nam”; rằng “Học thuyết Mác là sản phẩm của thế kỷ XIX, do vậy, đem đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học” (!); “chủ nghĩa Mác đã đóng góp khá nhiều cho lịch sử, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rồi, nó không còn phù hợp với thời đại ngày nay”; v.v.
Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng, Hồ Chí Minh là nhà “dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là nhà mác-xít”; “không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” vì không phù hợp với điều kiện mới của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam đề cao tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là để “an dân” chứ thực chất không theo Hồ Chí Minh (!?).
Về phương diện tổ chức, chúng tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chúng cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ đã lỗi thời, nó chỉ thích hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, còn hoạt động bí mật hoặc lãnh đạo trong chiến tranh; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên nhân gây ra độc đoán, chuyên quyền trong Đảng và trong xã hội, không có nhân đạo.
Chúng còn cho rằng, trong Đảng có nhiều phe phái: phe cải cách và phe bảo thủ; trong Đảng còn có các nhóm lợi ích, v.v.
Về đạo đức, chúng bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu cán bộ Đảng và Nhà nước, đánh vào sinh hoạt, đạo đức, lối sống các đồng chí lãnh đạo; tung ra nhiều chuyện giật gân trong sinh hoạt của lãnh đạo. Chúng cho rằng, Đảng và đảng viên ngày càng suy thoái, biến chất; tham nhũng, tham ô, lãng phí là căn bệnh trầm kha không thể chữa trị được. Từ đó chúng suy diễn thành “Đảng tham nhũng”, “Nhà nước tham nhũng”...
Thực chất, những “lập luận” trên là thủ đoạn dọn đường cho sự hình thành tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hòng vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LUÔN ĐỦ KHẢ NĂNG ĐỂ LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC
Giả định rằng, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước thì lực lượng nào sẽ có đủ khả năng để thay thế vai trò đó? Các thế lực thù địch thừa hiểu về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam là như thế nào, và ở Việt Nam hiện nay không một tổ chức nào có thể thay thế và làm tốt vai trò lãnh đạo như Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc nói là cứ nói, “đòi” là cứ đòi, dù biết là “nói lấy được”, mà đòi thì không được! Vì thế, trong các luận điệu chúng tung ra, rất ít thấy xuất hiện một lực lượng cụ thể, một gương mặt “sáng giá” khả dĩ có thể thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đâu đó họ có nói đến “lực lượng chính trị mới”. Nhưng cái gọi là “lực lượng chính trị mới” mà các thế lực thù địch tung hô có thể thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước và xã hội, thực chất chỉ là lực lượng được các nước tư bản và các thế lực phản động quốc tế nuôi dưỡng, ủng hộ, cung cấp tài chính, hậu thuẫn về chính trị, quân sự, ngoại giao. Đó là một tổ chức ô hợp gồm nhiều đại diện của nhiều lực lượng có thù hận với cách mạng Việt Nam, có tội ác với nhân dân, những kẻ muốn lợi dụng dân tộc ta làm lá bài chính trị để phục vụ cho lợi ích ích kỷ của chúng.
Với lực lượng chính trị như vậy thì chắc chắn con đường mà họ lựa chọn cho đất nước ta sẽ là con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Khi nắm được quyền lãnh đạo, họ sẽ từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), xóa bỏ thành tựu mà nhân dân ta đã hy sinh bao xương máu mới giành được, sớm đưa đất nước đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản (CNTB).
Với một mục tiêu chính trị và một nhân thân như vậy, chúng biết rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ trao cho chúng quyền lãnh đạo đất nước. Cho nên, các chiêu bài được tung ra cũng chỉ nhằm gây chú ý, tạo dư luận, gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân ta, trong xã hội ta, đồng thời để tranh thủ sự ủng hộ của các nước tư bản và các thế lực phản động quốc tế hòng gây sức ép, đặt điều kiện với chúng ta… để từng bước vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về thực chất, cái gọi là “lực lượng chính trị mới” không phải là lực lượng vì dân vì nước, mà chủ yếu là vì quyền lợi giai cấp, vì mục tiêu chính trị phản động. Do đó, một khi lực lượng này lãnh đạo đất nước thì hệ quả tất yếu sẽ là: lái đất nước đi theo con đường TBCN. Theo đó, thì cái lợi trước hết không phải cho nhân dân lao động, cho dân tộc ta mà cho giai cấp bóc lột, cho các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Còn nhân dân ta phải đổ bao xương máu mới giành được độc lập, mới thoát khỏi kiếp nô lệ, là người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, thì sẽ phải quay lại địa vị cũ, đất nước lại rơi vào vòng lệ thuộc của các nước tư bản, đế quốc.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, sau khi lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến giành lại độc lập, thống nhất cho non sông đất nước, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới - thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên CNXH. Đất nước chuyển sang giai đoạn mới, vừa có hòa bình vừa có chiến tranh; vừa phải đối phó với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế, vừa chống lại sự bao vây, cấm vận và cô lập tứ phía. Khó khăn chồng chất khó khăn. Kinh nghiệm lãnh đạo đất nước xây dựng CNXH được tích lũy trong những năm lãnh đạo miền Bắc xây dựng CNXH trong điều kiện đất nước có chiến tranh trước đây tuy rất quý báu, nhưng chừng đó là chưa đủ cho việc lãnh đạo, tổ chức xây dựng và quản lý phát triển đất nước trong điều kiện mới với quy mô và tầm vóc mới. Mọi việc dường như phải làm lại từ đầu, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, vừa mới giành được độc lập và vừa bước ra khỏi các cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài 30 năm.
Chưa hết, CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng và sụp đổ đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống XHCN làm nó tan rã. Đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng chưa từng có và đang đứng trước nguy cơ của sự sụp đổ. Trong hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo ấy, bản lĩnh, trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Đảng được phát huy và thể hiện trong điều kiện thực tiễn mới. “Đổi mới hay là chết” đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là mệnh lệnh của những con tim và khối óc có đủ sự nhiệt huyết và sự tỉnh táo để đưa đất nước thoát khỏi sự hiểm nguy.
Trớ trêu thay, trong những lúc đất nước khó khăn và lâm nguy như vậy, đã không có một lực lượng nào, một tổ chức nào đồng lòng cùng chung tay gánh vác trách nhiệm trước non sông, đất nước, dân tộc và nhân dân. Trái lại, chỉ thấy nhưng tiếng kêu la, oán thán, những điều chỉ trích, gây chia rẽ phân tâm, làm ngã lòng người từ phía các thế lực thù địch và cơ hội... Thực tiễn lịch sử lại cho thấy một lần nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xứng đáng và tin cậy của dân tộc và nhân dân Việt Nam; lịch sử và nhân dân Việt Nam lại một lần nữa tin tưởng trao cho Đảng sứ mệnh lãnh đạo dân tộc, dẫn dắt giống nòi tiến bước cùng thời đại. Đó là sự thật hiển nhiên không phải bàn cãi.
LUẬN CỨ PHÊ PHÁN
Cơ sở lý luận
Thứ nhất, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết, tất yếu, khách quan.
Vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền là một trong những nội dung quan trọng được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đề cập. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất, tiên tiến nhất, giai cấp có sứ mệnh lịch sử đào huyệt chôn CNTB. Nhưng muốn thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình thì giai cấp công nhân phải có “đội tiên phong với lý luận tiên phong và hành động tiên phong” để lãnh đạo. Đội tiên phong chính là Đảng Cộng sản - bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chứng minh, chính đảng của giai cấp công nhân ra đời là một đòi hỏi tất yếu khách quan của cuộc đấu tranh giai cấp cần có lực lượng lãnh đạo giai cấp thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của mình. Ph.Ăngghen cho rằng, Đảng Cộng sản ra đời là điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho cách mạng XHCN giành thắng lợi và thực hiện được mục tiêu cuối cùng của nó là thủ tiêu giai cấp.
Kế thừa tư tưởng trên của Mác - Ăngghen, Lênin khẳng định: “Về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa”. Bởi Đảng Cộng sản là đội tiên phong giác ngộ có tổ chức, và là tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chỉ có Đảng Cộng sản mới có đủ phẩm chất chính trị và năng lực, xứng đáng là người lãnh đạo xã hội mới. Lênin cũng chỉ rõ: “Đảng Cộng sản…. cầm quyền tức là Đảng không chỉ lãnh đạo Nhà nước mà là lãnh đạo cả xã hội”. Và trong điều kiện cầm quyền đó, Đảng phải là “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”.
Giải đáp vấn đề “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”, Hồ Chí Minh chỉ rõ “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững mạnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. “Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là chính danh, hợp hiến và hợp pháp.
Trên thế giới, việc quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp mang tính phổ biến. Chẳng hạn: Hiến pháp của Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc có 1 điều; Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, Ucraina, Ba Lan có 2 điều; Hiến pháp Udơbêkixtan có 3 điều,… quy định về đảng chính trị.
Các bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều có 1 điều quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, là phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay, không phải là cá biệt.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”(8). Điều lệ Đảng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”.
Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ (hệ thống các văn bản pháp luật) và đồng thuận (điều lệ, quy định) của các tổ chức có liên quan, không phải do Cương lĩnh, Điều lệ Đảng “đơn phương” quy định. Đây là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính chính danh đầy đủ được quy định tại Hiến pháp và Điều lệ Đảng, điều lệ các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp về mối quan hệ của Đảng với các tổ chức khác ở Việt Nam.
Thứ ba, Đảng đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(9). Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Trên thực tế, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công CNXH và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Cơ sở thực tiễn
Thứ nhất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong thực tế tiến hành cách mạng và được nhân dân thừa nhận.
Thực tiễn Việt Nam đã từng có thời kỳ đa đảng. Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại hai đảng đối lập là Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Hai đảng này không đại diện cho lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân, mà bám gót ngoại bang, nên không được nhân dân chấp nhận.
Có thời kỳ, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Đảng Dân chủ Việt Nam (1944 - 1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (1946 - 1988), nhưng các đảng ấy cũng không được đa số nhân dân giao cho sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Các đảng ấy, đều tuân thủ đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân giao phó, ủy thác. Sau đó hai đảng này tuyên bố tự giải thể và chỉ còn lại Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hiển nhiên, là sự lựa chọn và giao phó của lịch sử, của nhân dân và dân tộc Việt Nam, Đảng không tranh giành vai trò lãnh đạo với bất kỳ đảng phái nào.
Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, Đảng ta là đảng cầm quyền chính là thông qua việc nắm quyền, Đảng thực hiện sứ mệnh lãnh đạo xã hội, lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo nhân dân, để đạt được mục tiêu cách mạng mà Đảng và dân tộc đều đồng thuận.
Thứ hai, vai trò lãnh đạo lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tế kiểm nghiệm, nhất là vào những bước ngoặt của lịch sử.
Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, đưa cả nước đi lên CNXH.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đã thu được nhiều thắng lợi: đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới; quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Tuy nhiên, trong lãnh đạo, Đảng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm nghiêm trọng. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Nhưng, một số kẻ thù địch, cơ hội chính trị lại không thấy hoặc cố tình lờ đi điều ấy, hơn thế, họ còn thổi phồng những khuyết điểm, sai lầm của Đảng và quy kết Đảng không đủ năng lực lãnh đạo trong điều kiện mới của đất nước. Rõ ràng đây là một sự xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, nhằm kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm.
Thứ ba, nhân dân Việt Nam đã thừa nhận và ủy quyền Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.
Quan hệ Đảng - dân là mối quan hệ bản chất và máu thịt của Đảng ta. Ngay từ khi ra đời Đảng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, che chở và xây dựng. Hơn 90 năm đi theo Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhận rõ hơn ai hết, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, không có một lực lượng, một tổ chức nào có thể đại diện chân chính cho lợi ích của mình. Vì thế, nhân dân tin tưởng ủy thác trao quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế cách mạng Việt Nam cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của nhân dân. Vì thế, các tầng lớp nhân dân mong muốn Đảng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, không chia sẻ quyền lực với các lực lượng khác khác trong vai trò cầm quyền của mình. Bởi đó là nguyên tắc đã được được hiến định và là một kết quả tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể thay đổi
Thứ tư, ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước và xã hội.
Tuyệt đại đa số nhân dân mong muốn Đảng tự chỉnh đốn, khắc phục các khuyết điểm, yếu kém để hoàn thành sứ mệnh của mình là lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, Đảng đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn trách nhiệm là đội tiên phong, vai trò của Đảng cầm quyền và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra bốn nhóm giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó nhóm giải pháp thư tư nêu rõ việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Tóm lại, quan điểm cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước” là quan điểm sai lầm, phản khoa học, phi thực tế. Quan điểm này dựa trên những lập luận mang tính chủ quan, võ đoán, thiếu căn cứ khoa học, bất chấp đạo lý và lẽ phải thông thường, phiến diện và phi lôgic. Thực tiễn cách mạng Việt Nam và những thành quả mà nhân dân ta đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua, đã hoàn toàn bác bỏ quan điểm sai trái, thù địch đó và chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có đủ khả năng lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân./.
Theo tuyengiao.vn
Xử lý kỷ luật đảng đối với đảng viên vi phạm luật giao thông
Hỏi: Đảng viên A vi phạm luật giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15/7/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chưa quy định xử lý kỷ luật về vấn đề này. Vậy, xử lý kỷ luật đảng đối với đảng viên vi phạm luật giao thông như thế nào?
Trả lời: Khoản 1, Điều 1, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/7/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định như sau:
“Quy định này quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết, quy định của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị. Trường hợp đảng viên vi phạm những nội dung chưa có trong Quy định này thì căn cứ vào quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng Quy định này để xử lý kỷ luật cho phù hợp”.
Trường hợp câu hỏi nêu, do đảng viên A vi phạm luật giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/7/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chưa quy định vấn đề này thì tổ chức đảng có thẩm quyền có thể căn cứ vào các quy định của pháp luật của Nhà nước; Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và nguyên tắc xử lý kỷ luật, nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tại Quy định số 102 để xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng đối với đảng viên vi phạm cho phù hợp.