image banner
THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ (SỐ 113 – THÁNG 12/2022)

 file-icon

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN THÁNG 12/2022

1. Thông tin, tuyên truyền nội dung các nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

 2. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản: (1) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; (2) Kết luận số 39-KL/TW, ngày 18/7/2022 về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; (3) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (4) Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (5) Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 03/11/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; (6) Chương trình hành động số 16-CTr/ĐUK ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

 3. Tiếp tục quán triệt, triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch số 96-KH/ĐUK ngày 03/11/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo cấp ủy trong Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh năm 2022; hoàn thành việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với các tập thể, cá nhân đúng tiến độ đã đề ra theo Kế hoạch số 96-KH/ĐUK.

 4. Đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh, của Đảng ủy Khối và của cơ quan, đơn vị gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và chủ đề công tác năm 2022 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”; Nghị quyết số 03-NQ/ĐUK ngày 17/12/2021 về phương hướng, nhiệm vụ và chủ đề công tác năm 2022 về “Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đảng viên”.

 5. Tuyên truyền về các sự kiện nổi bật trong nước và trong tỉnh: Hội thảo quốc gia về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại tỉnh Quảng Ninh năm 2022.

 6. Thông tin tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2022, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về đối ngoại, hợp tác quốc tế góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, CCVC-LĐ thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng, cung cấp, tương tác trên mạng xã hội theo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 02/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh khi sử dụng mạng xã hội giai đoạn 2021 – 2025”, Chủ động thông tin tuyên truyền, nắm bắt, định hướng tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; phát huy vai tro của Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong đấu tranh, phản bác các thông tin giả, sai sự thật, xấu, độc về tỉnh Quảng Ninh, bảo đảm môi trường tư tưởng xã hội ổn định.

 7. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh trong tháng 12/2022: 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không (12/1972 - 12/2022); 76 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12); 62 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam (20/12); 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 33 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12)...

file-icon

CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ CỦA XÃ HỘI TA NGÀY NAY

 Hiện nay có những luận điệu sai trái được lan truyền trên không gian mạng rằng: “Mô hình “độc đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo) là một mô hình tạo ra sự mất dân chủ trong xã hội Việt Nam".

 Theo luận điệu này, muốn có một xã hội dân chủ, muốn phát triển thì Việt Nam phải từ bỏ “chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN)”, đi theo con đường “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” như ở các nước phương Tây. Vậy luận điệu trên sai trái ở điểm nào?

 Xã hội dân chủ tại Việt Nam mang giá trị chung của nhân loại

 Trước hết, tư tưởng dân chủ của phương Tây có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại. Thuật ngữ dân chủ xuất hiện đầu tiên tại Athens, Hy Lạp trong thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Về nội dung, đó là “quyền lực thuộc về nhân dân” đồng thời theo nguyên tắc đa số. Nhưng khái niệm “nhân dân” ở đây không bao gồm phụ nữ và người nô lệ. Về mặt phương thức, dân chủ có nhiều hình thức: Dân chủ trực tiếp đó là những người tham gia bầu cử bầu ra người đại diện cao nhất của xã hội. Dân chủ gián tiếp-dân chủ đại diện là người bầu cử chỉ bầu ra người đại diện của mình... từ đó chỉ có những người đại diện mới bầu ra cơ quan và người lãnh đạo xã hội.

 Trải qua quá trình phát triển, chế độ dân chủ trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình, trong đó có chế độ dân chủ đa đảng nhưng thực chất chỉ có hai đảng thay nhau cầm quyền như ở Mỹ (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa); hay dân chủ với nhiều đảng nhưng đều thừa nhận Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền như tại Trung Quốc... Đáng lưu tâm là vào năm 2019, Đại học Cambridge (Anh) có một nghiên cứu cho thấy mức độ bất mãn về thực trạng nền dân chủ tại Hoa Kỳ và Anh ở mức cao đặc biệt. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ người không hài lòng với nền dân chủ ở Anh lên tới 61%. Tại Mỹ, mức độ hài lòng chỉ còn dưới 50%. Như thế có thể thấy, chế độ dân chủ tại hai quốc gia trên chưa làm hài lòng chính công dân của họ, nên không thể và không nên được coi là hình mẫu cho nền dân chủ của bất cứ quốc gia nào.

 Chế độ dân chủ của chúng ta khởi nguồn từ khi dân tộc Việt Nam đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ những thập niên đầu thế kỷ 20. Giữa vòng vây của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vùng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại được độc lập dân tộc, đồng thời xây dựng xã hội mới. Trong “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Nhà nước của chúng ta đã kế thừa có chọn lọc những tư tưởng dân chủ trên thế giới: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

 Từ đó, trong phần cuối của “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 Ngay từ hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta-Hiến pháp năm 1946 đã cho thấy các quyền công dân (bao gồm cả quyền con người) được bảo đảm. Hơn 77 năm qua (1945-2022), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội, vượt qua những giai đoạn đầy khó khăn, gian khổ, đến nay đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế ngày càng phát triển, có vị thế, uy tín cao trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Những mô hình xã hội Việt Nam là sự vận dụng và phát triển sáng tạo các mô hình xã hội hiện đại trên thế giới, đồng thời kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền dân chủ của Việt Nam hiện nay là nền dân chủ gắn với chế độ làm chủ của nhân dân, do một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền-đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Hệ thống chính trị Việt Nam là cơ sở chính trị-pháp lý của nền dân chủ Việt Nam. Về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “1- Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như thế, qua quy định trong Hiến pháp có thể thấy: 1-Đảng không chỉ là đại diện lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà còn là đại biểu trung thành lợi ích của cả dân tộc; 2-Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền nhưng các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; 3-Dân chủ gắn liền với Nhà nước và pháp luật.

 Cũng theo Hiến pháp năm 2013 thì: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam". Các đại biểu Quốc hội được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu, nghĩa là mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia trực tiếp bầu cử đại biểu Quốc hội để đại diện cho tiếng nói của mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

 Dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật

 Chế độ dân chủ của Việt Nam còn bao hàm cả văn hóa dân chủ. Trong đó, các cán bộ, công chức phải là công bộc của nhân dân. Các cấp chính quyền phải bảo đảm phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với đó, công dân phải tuân thủ pháp luật.

 Chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, bản chất là yêu cầu thượng tôn pháp luật, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong xã hội phải sống và làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây là yêu cầu mà mọi nhà nước pháp quyền trên thế giới đều hướng tới.

 Thế nhưng, hiện nay có nhiều người lầm tưởng rằng, môi trường internet, mạng xã hội là môi trường dân chủ vô hạn độ, người ta muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết... mà không phải chịu trách nhiệm. Đó là một sai lầm rất nguy hiểm, vì suy nghĩ như vậy không khác nào coi môi trường internet, mạng xã hội là một môi trường vô luật pháp. Không ít người đã vi phạm pháp luật bị xử lý, thậm chí bị xử lý hình sự vì những phát ngôn xuyên tạc, chống đối Đảng, Nhà nước; vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên internet và bị quy vào tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Bộ luật Hình sự. Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào, các quyền dân chủ đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

 Tương tự, quyền tự do báo chí của công dân được Nhà nước ta tôn trọng, bảo vệ. Tuy nhiên, quyền tự do đó cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Điều 10, Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ: “Quyền tự do báo chí của công dân bao gồm: “1.Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2.Cung cấp thông tin cho báo chí; 3.Phản hồi thông tin trên báo chí; 4.Tiếp cận thông tin báo chí; 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6. In, phát hành báo in”.

 Điều 9 của Luật Báo chí quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, ví dụ như: “Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có nội dung: a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; b) Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Gây chiến tranh tâm lý; Đăng, phát thông tin có nội dung: a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc...; Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc...; Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy...”.

 Sở dĩ ngày nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trước hết nhờ những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam còn là một môi trường hòa bình, ổn định, có quan hệ ngoại giao hữu nghị với các nước, đấu tranh vì tiến bộ trên thế giới. Vừa qua, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần tái cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ 2014-2016 rất thành công, cho thấy uy tín cao của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về dân chủ, nhân quyền. Những thực tế khách quan đó cho thấy bản chất của xã hội XHCN tại Việt Nam là một xã hội dân chủ, vì con người, và không có luận điệu xuyên tạc nào có thể phủ nhận.

 Theo tuyengiao.vn

file-icon

Về kê khai nơi sinh của cán bộ, đảng viên

 Hỏi: Ở đảng bộ nơi tôi công tác có 2 luồng ý kiến về cách kê khai nơi sinh của cán bộ, đảng viên. Ý kiến thứ nhất: Theo Khoản 3 Điều 31 Thông tư số 04/2020/TT-BTP hướng dẫn luật Hộ tịch thì nơi sinh được ghi theo địa chỉ bệnh viện, nhà hộ sinh, trạm y tế (gọi tắt là cơ sở y tế). Ý kiến thứ hai: Theo cách ghi nơi sinh trong hồ sơ cán bộ, công chức và hồ sơ đảng viên lâu nay thì nơi sinh được ghi là xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Vậy ý kiến nào là đúng?

 Trả lời: Theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 hướng dẫn cách khai nơi sinh của đảng viên: Ghi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố) trực thuộc tỉnh (thành phố), tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính nhà nước.

 Như vậy, ý kiến thứ hai là đúng.

 Về khen thưởng trong Đảng

Hỏi: Đảng bộ bộ phận được khen thưởng như tổ chức cơ sở đảng hay khen thưởng như chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở?

 Trả lời: Căn cứ Điểm 19.1.a, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định: "Tổ chức đảng có thành tích được xét khen thưởng gồm: Đảng bộ huyện và tương đương; tổ chức cơ sở đảng; đảng bộ bộ phận; chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở ... ". Do vậy, đảng bộ bộ phận được khen thưởng như chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở theo quy định.

 Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 725
  • Trong tuần: 12 430
  • Tất cả: 1290576
ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH QUẢNG NINH
Người chịu trách nhiệm:  Tầng 6, Trụ sở Liên cơ quan Số 4, Phường Hồng Hà - Thành phố Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh.
 Điện thoại: 080.33205 - Fax: 080.33205  Email:vp.duk@quangninh.gov.vn  
ỨNG DỤNG SỔ TAY ĐẢNG VIÊN ĐIỆN TỬ

   
Bản đồ trực tuyến