image banner
Phong cách quần chúng trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng, đạo đức, phong cách là một chỉnh thể, tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh; nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Người. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả lại vừa thiết thực.

Những giây phút đầy cảm động của vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam (Ảnh sưu tầm)

Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Hồ Chí Minh luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Người luôn luôn chăm lo, tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện bằng phong cách sâu sát quần chúng, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, của những người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Trước hết, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên gần dân, thấu hiếu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bản thân Người luôn là tấm gương sáng về phong cách gần dân. Sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân.

Khi vừa đọc một đoạn Tuyên ngôn Độc lập, Người đã dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?".

Chỉ là một câu hỏi bình dị, tự nhiên đã làm xúc động trái tim hàng chục triệu đồng bào cả nước! "Cả muôn triệu một lời đáp: Có! Như Trường Sơn say gió Biển Đông".

Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết mà bình dị giữa vị lãnh tụ với quần chúng nhân dân, ngay trong những phút giây lịch sử trang trọng nhất.

Ngay trong đời thường, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tranh thủ đi thăm, tặng quà các cụ già, gặp gỡ và động viên chiến sĩ và đồng bào địa phương, để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ việc lớn đến việc nhỏ của Người đều thể hiện sự quán triệt tư tưởng "Nước lấy dân làm gốc", "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng".

Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tác phong sâu sát. Theo một thống kê chưa thật đầy đủ, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, Hợp tác xã, đơn vị bộ đội,... từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”.

Bác thường xuyên căn dặn Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần, trách nhiệm trước nhân dân. Bác nói: "Nước lấy dân làm gốc", "Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Chính phong cách đi đúng đường lối quần chúng của Người có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, mà gần gũi, bình dị, tự nhiên. Tác phong ấy, làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hoà nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở của mình, còn Người thì lắng nghe để có thể hiểu được nhịp đập của từng cuộc sống chung quanh. Bài học này thực sự có ý nghĩa và giá trị quan trọng đối với tổ chức và cán bộ, đảng viên chúng ta hiện nay.

Phong cách quần chúng của Bác không chỉ là bài học cho mỗi cán bộ đảng viên trong quan hệ với nhân dân, mà còn cần thiết trong quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt: Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Càng hiểu dân và hiểu cấp dưới, người lãnh đạo càng hiểu chính mình và đúc rút được kinh nghiệm trong công tác quản lý, lãnh đạo.

Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân". Vì vậy, "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân để hiểu dân. Bác nói: "Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng... Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại...".

Hồ Chí Minh thường yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt "làm quan cách mạng”, "quan nhân dân”, không thấy mình là đày tớ, người học trò của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: Không phải cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Làm cho dân kính, dân yêu, dân tin, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Nếu cứ ỷ vào quyền lực chỉ có thể làm cho người ta sợ, ngại, xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Hồ Chí Minh là người đã hóa thân một cách toàn vẹn và trọn vẹn vào trong Nhân dân; Người luôn thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để không ngừng thực hành dân chủ của Nhân dân. Nhân dân từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Hồ Chí Minh bằng hai tiếng “Bác Hồ”. Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và gần gũi; mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết.

Chúng ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một trong những yêu cầu mà nghị quyết đặt ra là vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, mà trước hết phải là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Như Bác nói, cán bộ đảng viên với tư cách là người lãnh đạo, quản lý, ví như “cái đầu”, “bộ óc” của quần chúng nhân dân; do vậy cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Người căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” để mỗi cán bộ đảng viên nêu cao trách nhiệm nêu gương. Trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có lập trường cách mạng vững vàng; miệng nói, tay làm; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Bởi lẽ nó là chuẩn mực cốt lõi của đạo đức cách mạng.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, CBCCVCLĐ, nhân dân Quảng Ninh nói chung và Khối các cơ quan tỉnh nói riêng cùng với nhân dân, các dân tộc cả nước đang triển khai nhiều phong trào thi đua và các hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), Bầu cử  Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh Quảng Ninh. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy khối các Cơ quan tỉnh và các đoàn thể trực thuộc đã có kế hoạch chỉ đạo tới cấp cơ sở triển khai nhiều hoạt động thiết thực gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động.

Ảnh: Sinh hoạt chuyên đề “Ngày hội non sông” Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890 – 2021) của Chi bộ Cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Chi bộ Cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

Thấm nhuần tư tưởng, phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện hiện nay mỗi CB, đảng viên, CCVCLĐ luôn chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có bản lĩnh chính trị vững vàng, biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân mình; luôn tự rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; không ngừng hoàn thiện về phẩm chất và nhân cách.

Ảnh: Sinh hoạt chuyên đề “Học Bác lòng ta trong sáng hơn” của Đảng bộ  Cơ quan Khối MTTQ và các Tổ chức CT- XH tỉnh..

Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó cũng là bổn phận, danh dự và là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên tâm huyết với Đảng, với Nhân dân; là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi toàn diện phát triển bền vững đất nước.

Phạm Hoài Ân - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 173
  • Trong tuần: 12 416
  • Tất cả: 1354552
ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH QUẢNG NINH
Người chịu trách nhiệm:  Tầng 6, Trụ sở Liên cơ quan Số 4, Phường Hồng Hà - Thành phố Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh.
 Điện thoại: 080.33205 - Fax: 080.33205  Email:vp.duk@quangninh.gov.vn  
ỨNG DỤNG SỔ TAY ĐẢNG VIÊN ĐIỆN TỬ

   
Bản đồ trực tuyến